(Xây dựng) – Trong một tháng (từ 27/01 đến 28/02/2021), từ khi xuất hiện ca nhiễm đầu tiên là một công nhân SDT Điện tử POYUN Chí Linh đến nay tỉnh Hải Dương có 665 ca nhiễm SARS Cov-2 trong tổng số 2.448 ca trong cả nước một năm qua. Cũng từ Hải Dương, dịch lây lan ra 13 tỉnh, thành phố khác. Covid-19 ở Hải Dương tập trung tại 5 ổ dịch lớn là TP Chí Linh, huyện Cẩm Giàng, thị xã Kim Môn, TP Hải Dương, huyện Nam Sách, trở thành điểm nóng của cả nước. Nó nguy hiểm bởi dạng biến thể Anh (B117) có khả năng lây lan nhanh, triệu chứng khó lường, nhất là ở các khu công nghiệp đông công nhân.
![]() |
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Khi dịch bùng phát ở Quảng Ninh, Hải Dương, mặc dù Đại hội Đảng lần thứ XIII đang diễn ra, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống dịch đã họp đột xuất, chỉ đạo các tỉnh khoanh vùng, dập dịch không để lây lan rộng, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Tỉnh Hải Dương được đặt trong tình trạng khẩn cấp cao hơn Đà Nẵng quý III năm ngoái. Cả hệ thống chính trị, đặc biệt ngành Y tế thần tốc triển khai. Hải Dương thiết lập 949 chốt kiểm soát (29 chốt cấp tỉnh, 108 chốt cấp huyện, 802 chốt cấp xã), thiết lập 203 khu cách ly tập trung cho gần 10.000 người, lập ngay bệnh viện dã chiến, cứu chữa người bệnh; phong tỏa 71 khu dân cư, 9 thôn, 2 xã, TP Chí Linh, huyện Cẩm Giàng. Toàn tỉnh cách ly 46.829 người, đặc biệt truy vết cách ly tập trung 13.956 ca F1. Qua đó, sàng lọc, làm xét nghiệm phát hiện hàng trăm ca dương tính SARS Cov-2 để đưa đi điều trị.
Dịch bùng phát sau 3 ngày, Hải Dương đã đuổi kịp dịch (Đà Nẵng sau 11 ngày), sau 8 ngày cơ bản được kiểm soát, khống chế (Đà Nẵng sau 23 ngày) và rất ít có ca nhiễm mới trong cộng đồng mà chủ yếu phát hiện sau khi cách ly tập trung. Kết quả đó đã làm an lòng dân vùng có dịch và các vùng không có dịch.
Tuy nhiên, Hải Dương sản xuất vụ đông lớn nhất miền Bắc với hơn 4.000 ha, sản lượng 90.000 tấn sản phẩm, bao gồm 3.000 tấn cà rốt, 5.500 tấn hành củ, 1.000 tấn lợn sữa, 8.000 tấn bắp cải, su hào, súp lơ, trong đó có 3.000 tấn rau, 100 tấn cà rốt… đang ở trong kho cấp đông chờ xuất khẩu. Thật đáng mừng là từ ngày 18/02 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hải Phòng cho phép xe của Hải Dương vận chuyển hàng hóa về cảng để xuất khẩu. Mặt khác, TP Hà Nội và một số địa phương phát động phong trào giải cứu nông sản cho Hải Dương. Với nghĩa cử cao đẹp và tinh thần “Cả nước hướng về Hải Dương”, mỗi ngày hàng trăm chuyến xe chở bắp cải, su hào, cà chua, ổi, cà rốt… về Thủ đô và được nhân dân Hà Nội đón nhận. Hàng chục tấn nông sản tiêu thụ chỉ trong chốc lát tại các điểm giải cứu cho nông sản Hải Dương.
Như vậy, trong cảnh hiểm nguy, Hải Dương khẳng định vừa chiến thắng Covid-19 vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế bền vững.