Hội Gióng – hệ biểu tượng cao đẹp của sức mạnh và nhân cách Việt Nam

Phù Đổng Thiên Vương – Đức Thánh Gióng, một trong bốn vị thánh bất tử của tâm thức người Việt, biểu tượng cao đẹp cho sự nghiệp chống ngoại xâm của dân tộc, là một trong số những nhân vật được phụng thờ ở nhiều làng xã, tập trung tại nhiều di tích lịch sử – văn hóa thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đồng thời, Thánh Gióng cũng là nhân vật trung tâm của hàng loạt lễ hội được tổ chức hằng năm tại nhiều làng quê.

Trong đó, có lễ hội Phù Đổng được xếp vào diện “độc nhất vô nhị”, hoành tráng bậc nhất trong số gần chục nghìn lễ hội dân gian của cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam. Cũng như nhiều lễ hội ở các làng quê Việt Nam có gắn với việc phụng thờ, tôn vinh những người anh hùng văn hóa hoặc người anh hùng lịch sử đích thực, hội Gióng được nảy sinh và gắn với những không gian văn hóa nhất định. Và, từ phạm vi không gian phát sinh ban đầu, nó dần dần được lan tỏa, mở rộng, tùy theo phạm vi, mức độ hoạt động trong sự nghiệp của người anh hùng, tùy theo uy tín và sức mạnh chinh phục ngoại xâm, để rồi đi vào tiềm thức người dân trong cộng đồng, được cộng đồng khâm phục, tôn vinh và tổ chức phụng thờ, tri ân, truyền từ đời này qua đời khác.

1. Lần tìm theo “chỉ dẫn” của truyền thuyết dân gian, dễ dàng nhận ra hàng loạt các di tích liên quan đến “thân thế” và “sự nghiệp” của nhân vật huyền thoại Thánh Gióng. Đó là những vết tích/dấu ấn vật chất (chõng đá, liềm đá, thống đá, cột đá, ao đầm, tre đằng ngà, gò đống, giếng nước gội đầu, cột đá buộc ngựa, đỉnh núi nơi bay về trời,…), được cộng đồng cho/tin rằng gắn liền với địa điểm và hoàn cảnh xuất thân của người anh hùng làng Gióng, với chặng đường Gióng “tung hoành” đánh giặc ngoại xâm cứu nước và điểm dừng chân cuối cùng của người anh hùng trước khi hóa thân vào bất tử.

Dựng lại bản đồ hằn in những dấu tích vật chất ở nhiều làng quê cụ thể của vùng trung châu đồng bằng Bắc Bộ, có thể nhận biết một không gian địa lý rộng lớn, mà đường biên của nó hiện lên dọc theo hai bên nam – bắc sông Thiên Đức/sông Đuống, khởi nguồn từ làng Phù Đổng (vốn thuộc đất Tiên Du – Bắc Ninh xưa, nay thuộc đất Gia Lâm, Hà Nội) cho đến núi Châu Cầu (thuộc làng Châu Cầu/Thất Gian, xã Châu Phong, huyện Quế Võ, Bắc Ninh); và xuôi về phía nam sông Hồng, song hành cùng dòng Kim Ngưu với làng Bộ Đầu (thuộc xã Thống Nhất, huyện Thường Tín), về phía tây với làng Cáo/Xuân Tảo (thuộc xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm), về phía bắc với các làng vùng quanh núi Sóc (thuộc các xã của huyện Sóc Sơn), Sơn Du, Đống Đồ (huyện Đông Anh), tỏa theo triền đê dòng cổ giang Cà Lồ, hất lên cửa ngã ba Xà, nơi giao lưu với sông Cầu, sông Thương đậm đà dấu vết văn hóa Việt cổ. Đó là các làng quê nằm trọn trong vùng – mà, theo khẳng định của giới Sử học từ hơn nửa thế kỷ qua – đều thuộc phạm vi trung tâm của “Bộ” Tây Vu – Vũ Ninh xưa, hai trong số 15 “Bộ” hợp thành quốc gia Văn Lang cổ đại thời các vua Hùng, và cũng là cái nôi của văn hóa Việt.

Theo những tư liệu trong Sổ lệ hội Gióng và từ ghi chép hồi cố qua các bậc cao niên ở các làng/thôn Phù Đổng, Phự Dực, Đổng Viên và Đổng Xuyên có người trực tiếp tham gia hành hội, lễ hội Thánh Gióng tổ chức thường niên, mức độ và phạm vi hội chính hiện nay gần như không khác mấy so với hội Gióng của hàng trăm năm xưa (từ 1945 trở về trước). Thời gian hành hội tập trung vào 3 ngày, từ mùng 7 đến mùng 9 tháng 4 lịch Trăng (ÂL) hàng năm. Đây là lễ hội có số lượng vai diễn đông nhất trong số gần chục nghìn lễ hội ở Việt Nam, đi theo hàng trăm vai diễn này trong lễ hội cũng là trang phục, công cụ biểu diễn rất đa dạng, phong phú và thực hành trình diễn theo những hệ thống quy định chặt chẽ, đảm bảo tính hoành tráng, uy nghi, đẹp mắt và phù hợp với từng loại ý nghĩa riêng.

hoi giong he bieu tuong cao dep cua suc manh va nhan cach viet nam
Tượng Phù Đổng Thiên Vương – Đức Thánh Gióng. Ảnh: Lê Bích

2. Sức hấp dẫn mang bản sắc ở hội Gióng đã thể hiện ngay từ giai đoạn chuẩn bị nhân sự ông Hiệu cùng đội ngũ phục vụ và quá trình luyện tập mang tính kỹ thuật công phu theo những quy tắc biểu trưng để hình thành nên một hệ biểu tượng rất chặt chẽ, có bài bản, được ràng buộc bởi nét tín ngưỡng vừa linh thiêng, vừa trang trọng.

Có thể bạn quan tâm:  0913.039.082 Báo Giá Gạch Viglacera Mới Nhất Năm 2020

Theo lệ tục từ xưa đến nay, các ông Hiệu khi đã được lựa chọn, phải sống biệt lập một tháng trong phòng riêng, có trang thiết bị riêng, không sinh hoạt chung với gia đình cũng như người ngoài. Mọi giao dịch từ bên ngoài đều phải thông qua người phục vụ và bằng hiệu lệnh, tuyệt đối tuân theo mọi sự chỉ dẫn của người dạy.

Theo người dân làng Phù Đổng, có như vậy, các ông Hiệu mới đủ điều kiện để tập trung ý thức cao độ luyện tập, phục vụ công việc hành hội, rèn luyện cho mình có đủ sức khỏe, đáp ứng với công việc nặng nhọc trong thời tiết tháng tư âm lịch nắng nóng, trong khoảng thời gian kéo dài. Điều đặc biệt là, sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ trong vai ông Hiệu, những người thực hành vai ông Hiệu vẫn được dân làng kính trọng, lấy chức danh ông Hiệu để gọi kèm theo tên gọi thường ngày đến suốt đời.

Quy trình tập luyện của các vai này đòi hỏi vừa kiên trì, công phu, vừa có ý thức tự giác cao độ. Chẳng hạn, đối với ông hiệu Cờ, khi tập động tác phất cờ (dân gian gọi là đánh cờ) phải mạnh và khỏe. Lá cờ được hiệu Cờ đánh nhanh và dứt khoát, khi đánh theo chữ “Lệnh”, nếu là đánh thuận thì vòng theo tay phải, đánh nghịch vòng theo tay trái.

Khi tập phải chọn đủ các hướng gió, phải thích ứng với gió buổi sớm hay gió buổi chiều, gió thổi ngày nắng hay ngày mưa để tiếp nhận mọi loại thời tiết sẽ diễn ra trong ngày chính hội. Khi tay múa cờ, chân người múa phải nhảy qua nhảy lại những chiếc bát úp trên 3 manh chiếu tượng trưng cho đồi núi và bãi chiến trường, thể hiện sức mạnh bạt núi san đồi của chàng Gióng năm xưa.

Điều tối kỵ là khi đánh cờ, lá cờ bị gió cuốn vào cán, chân đá trượt bát hoặc đá bát không ra ngoài manh chiếu. Nếu hiện tượng này xảy ra thì dân làng coi như điềm xấu, quanh năm làm ăn thất bát, không gặp may mắn.

Đối với các ông hiệu Trống, hiệu Chiêng, việc luyện tập phải luôn trong tư thế uy nghiêm, hùng dũng. Khi đánh trống hoặc chiêng động tác phải mạnh, dứt khoát, lúc tiếng một, lúc đổ hồi, giữa tiếng trống với tiếng chiêng phải có sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý. Cũng bởi lẽ, đối với hội Gióng, mọi sự điều hành trong toàn bộ diễn trình hành hội đều được sử dụng bằng tiếng trống và tiếng chiêng. Từng tiếng từng hồi trống, chiêng chính là ký hiệu bằng âm thanh, tạo nên hiệu lệnh tập trung và điều hành các bước hành hội ăn khớp với nhau theo trình tự quy củ và tôn nghiêm.

3. Biểu tượng linh thiêng nhất của lễ hội Gióng là xe long mã, tượng trưng cho Thánh Gióng lên đường ra trận. Xe long mã là một con ngựa trắng, kích cỡ to lớn, có đủ yên cương, bành, giáp, nhạc, đặt trên khung xe có 4 bánh gỗ, có hai dây kéo dài khoảng 20 mét/dây. Đi cùng xe là cờ, tán, tàn lộng lẫy. Khoảnh đất phẳng tương đối rộng mang tên Đống Đàm (vừa đánh vừa đàm phán, chưa quyết liệt) nằm ở đầu phía đông – bắc làng Đổng Viên và Soi Bia (trận đánh làm bia để đời, giặc soi vào đấy phải kinh hồn bạt vía) nằm phía ngoài bãi, giữa giá ngự và đền Mẫu, thuộc khoảnh đất làng Phù Đổng 2, được chọn là nơi diễn xướng tượng trưng cho đại chiến trường của hai cuộc giao tranh giữa đội quân Thánh Gióng với giặc Ân.

Trước khi lễ hội diễn ra, ban khánh tiết đã chuẩn bị sẵn 6 chiếc chiếu trắng khổ to (loại chiếu thường), mỗi chiếc được xén ở một góc, 6 chiếc bát to và 6 tờ giấy trắng. Vào chính hội, 3 chiếc chiếu được trải giữa khoảnh đất Đống Đàm ven hồ sen và 3 chiếc trải giữa khoảnh đất bãi Soi Bia (nằm giữa giá ngự và đền Mẫu), giữa mỗi chiếc chiếu úp một chiếc bát lên tờ giấy trắng.

Theo cách lý giải của người dân trong vùng, chiếc chiếu tượng trưng cho vùng đất đồng bằng, nơi diễn ra cuộc đại chiến, bát úp tượng trưng cho đồi núi và tờ giấy trắng tượng trưng cho mây trời. Khi ông hiệu Cờ đánh cờ, nhảy qua nhảy lại 3 lần trên từng chiếc chiếu, chân nhảy qua bát úp, rồi tung chân đá bát văng ra khỏi chiếu (càng xa càng tốt!) tượng trưng cho hình tượng Thánh Gióng khổng lồ đang tung hoành giữa trận tiền, xông pha diệt giặc ngoại xâm cứu nước bằng sức mạnh bạt núi san đồi…

Có thể bạn quan tâm:  20 Mẫu thiết kế biệt thự có hồ bơi ngoài trời Đẹp – Sang chảnh

Xuyên suốt diễn trình hội Gióng Phù Đổng là sự kết nối, vận động của các chuỗi/hệ biểu tượng khác nhau một cách chặt chẽ, theo thế liên hoàn, vừa hư ảo, vừa hiện thực, tạo ra một không gian đầy ắp khí thế chiến trận và lòng tự hào đến mức sôi động, náo nhiệt của cộng đồng về sức mạnh của đội quân giữ nước. Đó cũng là sự hòa quyện hết sức tự nhiên giữa các biểu tượng sinh thái (vùng bãi chiến trường, ao đầm mang vết chân người – ngựa, tre đằng ngà,…) với các biểu tượng nhân văn (các ông Hiệu, các phường áo đỏ – áo đen, nữ tướng,…) trong một kỳ lễ hội, từ mặt bằng “chiến trường” đến hàng trăm nhân vật thực hành theo những chức năng tuy khác nhau, nhưng đều chung đúc để kết tinh cho biểu tượng lớn nhất là sức mạnh cộng đồng trước hiểm họa ngoại xâm.

4. Có một điều dễ nhận thấy trong “sự nghiệp” chống ngoại xâm của Thánh Gióng là, mặc dù luôn luôn bộc lộ sức mạnh mang tính quyết liệt trong chiến trận, không khuất phục trước mặt kẻ thù, nhưng Thánh Gióng, dưới con mắt nhìn nhận và đánh giá của người dân qua ngàn đời, đã sớm thể hiện một nhân cách mang tầm dân tộc. Đó là thứ nhân cách bộc lộ tư tưởng nhân đạo thông qua những biểu tượng ứng xử với giặc thù khi chúng đã bại trận và quy hàng. Điều này được “tái hiện” một cách sinh động bằng nghệ thuật diễn xướng trong thực hành Hội Trận.

Kết thúc “trận đánh” ở Soi Bia, đại quân Thánh Gióng đã đập tan giặc, bắt sống hàng binh. Trở về Đại bản doanh (Đền Thượng), đoàn quân thất trận của các Nữ Tướng đi theo Đại quân Gióng nhưng không được bước vào trong Đền. Chỉ người đóng vai Thiên Vương (Thánh Gióng) được vào bái tạ trước ban thờ, tiếp đó ra gặp phường mục đồng chăn trâu, cùng bái tạ Thiên Vương, rồi ca hát. Sau đó mới sai người cầm cờ “Lệnh” ra ngoài sân Đền, dẫn Chánh, Phó Đốc tướng “giặc”vào giữa Đền. Hai Đốc tướng giặc phục lễ lạy Thiên Vương. Sau đấy, hai người Thủ Đền, mỗi người cầm một chiếc kiếm, làm động tác giả vờ chém đầu hai Nữ Tướng, coi mũ là đầu, coi áo là da, cầm mũ – áo vào nội cung lưu giữ, cạnh đó, ra lệnh tha bổng các Tướng còn lại và gọi người chuẩn bị dọn cỗ (như cỗ khao quân) mời các Nữ Tướng giặc thất trận cùng ăn uống trong Đền…

Những tình tiết ngắn gọn từ diễn xướng nghệ thuật độc đáo này trong lễ hội đã góp phần minh chứng cho một khía cạnh mang tính cội nguồn sâu xa của bản chất nhân văn trong truyền thống đạo lý dân tộc, đó là tư tưởng và hành động nhân đạo của lực lượng thắng trận, mà biểu tượng đại diện là Thánh Gióng, người anh hùng có vai trò như lãnh tụ, như “Bách Thần nguyên thủ” của cộng đồng. Có thể nói, nét đẹp mang tính nhân văn từ cội nguồn quá khứ được phản ánh qua hình tượng Thánh Gióng đã trở thành dấu ấn khai phá cho truyền thống nhân đạo của ông cha ta trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.

Suốt từ các triều đại trong lịch sử Việt Nam, những hành động cấp áo, cấp lương, cấp vàng bạc châu báu, cấp phương tiện cho đội quân ngoại xâm thất trận về nước của người Việt thắng trận đã gần như trở thành chuyện diễn ra thường tình trong lịch sử dân tộc. Đó là sản phẩm của sức mạnh yêu nước và truyền thống văn hóa nhân văn/nhân đạo, được kết tinh khởi đầu từ chân dung người anh hùng làng Gióng.

5. Lâu nay, nói đến Phù Đổng Thiên Vương, kể về “thân thế và sự nghiệp” Thánh Gióng, là trong tâm trí nhiều người đa phần chỉ đọng lại ấn tượng sâu sắc khó phai về sức mạnh của người anh hùng có công đánh dẹp ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Thực ra, song hành với hệ thống truyện kể về sự nghiệp chống ngoại xâm của chàng trai làng Gióng, trong dân gian vùng châu thổ Bắc Bộ còn lưu truyền nhiều câu chuyện về sự gắn bó của Gióng với công cuộc vật lộn cùng thiên tai để bảo vệ dân lành làm ăn và tồn tại.

Có thể bạn quan tâm:  Cách hóa giải khi nhà vệ sinh chung cư không hợp phong thủy

Trong tâm thức dân gian, Thánh Gióng không chỉ là biểu tượng cho sức mạnh chống ngoại xâm, mà đây còn là người anh hùng có sự nghiệp trị thuỷ lừng lẫy, có đức hạnh hiếu tử của đạo làm con. Tâm thức đó đã được nghệ thuật hóa thành biểu tượng trong truyền thuyết dân gian, để rồi được chép vào thần tích, thần phả, được hóa thân cụ thể vào bức tượng khổng lồ Đức Thánh ở đền Bộ Đầu – Thường Tín, truyền lưu cho muôn đời.

Đi theo những biểu tượng nghệ thuật của tòa tháp thờ mẹ trên tay là biểu tượng từ bàn chân khổng lồ giẫm lên đôi giao long hung dữ. Câu chuyện Thánh Gióng hóa thân giáng trần, đánh tan thuỷ quái cứu mẹ hiện ra như một khúc tráng ca bằng ngôn từ, được vật chất hóa qua nghệ thuật điêu khắc tạo hình, thể hiện sự ngưỡng vọng sức mạnh trị thuỷ của người anh hùng, làm thoả lòng người Việt về tâm thức cao đẹp của dân tộc, vừa ẩn chứa trong đó lời ngợi ca tấm lòng hiếu nghĩa của một người con anh hùng có sức mạnh thần thánh, luôn thường trực gắn bó với vận mệnh của mẹ mình mỗi khi gặp hoạn nạn.

Đức tính hiếu tử đó dường như cũng chính là biểu tượng cho một nghĩa khí có nhân cách cao đẹp, khơi nguồn cho truyền thống lâu đời của người Việt với ý thức dù có là thiên thần nhưng vẫn sống vì đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, dù hiển Thánh vẫn không quên sự hiện tồn của công cha, nghĩa mẹ, và khi cha mẹ khuất bóng, lại tôn thờ một cách trang trọng, gần gũi (trên lòng bàn tay trái ngay sát tim mình – một hình tượng được cách điệu hóa bằng nghệ thuật lung linh), thay cho tâm nguyện của chính người con đã được cộng đồng vinh danh bất tử! Có thể nói, chính truyền thuyết dân gian và diễn xướng lễ hội về chủ đề Thánh Gióng trị thủy đã là nguồn tư liệu sinh động nhất bổ sung cho khiếm khuyết của chính sử bấy lâu nay, góp phần sáng tạo nên chất liệu nghệ thuật để làm hoàn thiện chân dung người anh hùng bất tử của cộng đồng.

Đã nghìn năm trôi qua, kể từ khi vua Lý Thái Tổ định đô ở đất Thăng Long, ban lệnh cho lập đền thờ và tổ chức lễ hội Thánh Gióng trên đất Phù Đổng linh thiêng, người dân đất Việt đã không ngừng truyền kể cho nhau nghe về công danh và sự nghiệp của người anh hùng làng Gióng. Và đúng dịp thường lệ hàng năm, cứ vào tháng Giêng tại không gian văn hóa Sóc Sơn, vào dịp tháng Tư lịch trăng tại không gian văn hóa Phù Đổng, cũng như các lễ hội khác diễn ra tại Vệ Linh, Phù Lỗ (Sóc Sơn), Xuân Đỉnh (Từ Liêm), Bộ Đầu (Thường Tín), Thanh Nhàn (Mê Linh), Sơn Du, Đống Đồ (Đông Anh),… lớp lớp các thế hệ con cháu của cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam lại náo nhiệt hành hương về các địa chỉ linh thiêng này, để hoà nhập lòng mình vào không khí náo nhiệt hiện tồn, tưởng niệm, tri ân người anh hùng bất tử của mình.

Và đương nhiên, giữa không gian văn hóa thấm đẫm chất huyền thoại – sử thi đó, người đời lại hân hoan nghĩ về Thánh Gióng, nhập thân vào không gian văn hóa lễ hội, thành kính kể cho nhau nghe những câu chuyện nằm lòng, cùng nhau diễn xướng tái hiện quá khứ oanh liệt thông qua hàng loạt các hệ biểu tượng nghệ thuật trong lễ hội, như truyền cho nhau sự đồng cảm về một thiên tráng ca, ca ngợi sức mạnh và nhân cách của người anh hùng, biểu tượng cho sức mạnh và nhân cách con người Việt Nam trên cuộc hành trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Và may mắn thay, nhờ được “nuôi dưỡng” bền chặt trong môi sinh văn hóa cộng đồng, được cộng đồng bảo tồn, lưu giữ thực hành qua hàng nghìn năm, bất chấp mọi thăng trầm lịch sử – xã hội, các hệ biểu tượng văn hóa cấu thành nên hội Gióng Phù Đổng, cùng các làng quê khác thuộc đồng bằng trung châu Bắc Bộ, đã tích hợp để thăng hoa nên những giá trị văn hóa hằng định, góp phần nâng tầm cho một loại hình lễ hội “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam, được nhập vào hệ thống các kiệt tác di sản văn hóa nhân loại hôm nay!

GS.TS Bùi Quang Thanh

Hội Gióng – hệ biểu tượng cao đẹp của sức mạnh và nhân cách Việt Nam
Chuyển lên trên