Nguyên tắc bố trí khe thoáng cho thiết kế nhà ống

(17/09/2020 7:29:38 AM)
Hầu hết các căn nhà thổ cư hiện nay đặc biệt là những căn nhà trong các quận nội thành đều sử dụng thiết kế nhà ống nhưng không có khe thoáng do có diện tích nhỏ hẹp và đã được xây nhiều năm.

Nhưng ngay ở những khu vực các quận lân cận hoặc ngoại thành, thậm chí các khu đất giãn dân, chia lô mới, diện tích đất rộng hơn khá nhiều nhưng nhiều chủ nhà vẫn giữ thói quen xây hết đất và không chừa lại một phần diện tích nhỏ để làm khe thoáng, sân trước nhà hay giếng trời.

Trên thực tế, việc xây dựng nhà bao hết toàn bộ diện tích đất không chỉ tăng thêm chi phí mà căn nhà thiếu đi sự thông thoáng, gió và ánh sáng gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý và sức khỏe của người sử dụng.

Tùy theo điều kiện diện tích của từng căn nhà có thể quyết định tăng diện tích và số lượng các phòng sử dụng. Tuy nhiên đối với một ngôi nhà điển hình có 1 phòng khách, 1 phòng bếp tổng diện tích tiêu chuẩn khoảng 30m2, 3 – 5 phòng ngủ với diện tích mỗi phòng khoảng 15m2 là vừa đủ để đáp ứng các tiêu chí cơ bản.

Thực tế là diện tích các phòng cũng tùy theo sở thích của chủ nhà mà thay đổi nhưng nếu quá rộng cũng sẽ không sử dụng hết công năng, tốn kém chi phí xây dựng, chi phí nội thất và chi phí điện năng.

Có thể bạn quan tâm:  Khám phá biệt thự triệu đô mới xây tại trung tâm TPHCM của Lý Nhã Kỳ
Diện tích xây dựng quá lớn nhưng không để lại không gian thông thoáng như sân vườn, khe thoáng, giếng trời sẽ không có sự lưu thông không khí. Diện tích sân vườn, khe thoáng, giếng trời không hề lãng phí như nhiều người nghĩ mà sẽ có giá trị rất lớn trong quá trình sử dụng.

Ngoài công năng tạo dòng đối lưu không khí, thoát mùi, thoát ẩm cho căn nhà, khoảng không gian này còn có tính chất trang trí thẩm mỹ cao với những mảng cây xanh, tiểu cảnh non bộ bể cá, cung cấp oxy và làm mát cho căn nhà.

Hầu hết đối với các mảnh đất có diện tích từ 40m2 trở lên đều có thể để lại một khe thoáng ở cuối đất hoặc một giếng trời ở giữa nhà.

Việc bố trí khe thoáng ở cuối nhà nên đảm bảo diện tích tối thiểu khoảng 4 – 5 m2 để dễ bố trí cửa sổ cho các phòng tầng trên cũng như có một khoảng sân nhỏ để phục vụ nhiều mục đích sử dụng như trồng cây xanh tiểu cảnh, sơ chế các đồ nấu ăn…

Tuy nhiên rất lưu ý khi xây dựng nếu như ba mặt xung quanh hàng xóm đã xây kín thì phần khe thoáng này cũng nên xây kín cùng chiều cao tầng nhà để đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, an ninh an toàn, tránh bị nhà khác mở cửa sổ nhìn sang sân chung…

Nếu để giếng trời để giữa nhà cần lưu ý lợp mái kính trên cao với diện tích phù hợp đảm bảo ánh sáng, thoáng khí nhưng tránh bị mưa hắt .

Có thể bạn quan tâm:  Gạch không nung đuổi côn trùng, thân thiện với môi trường, ngăn ngừa nấm mốc
Trong trường hợp nhà có đất rộng chỉ nên xây nhà một phần đất với diện tích vừa đủ và bố trí sân vườn tiểu cảnh xung quanh nhà để các phòng trong nhà đều có cửa sổ mở nhìn ra sân vườn. Phần không gian này sẽ là nơi thư giãn cho gia đình, tạo không khí thoáng mát và làm nên vẻ đẹp của ngôi nhà.

Các nhà trong ngõ nhỏ có phần diện tích xây nhỏ hẹp thường cố gắng đua từ ban công tầng 2 lấn ra phần không gian trên của ngõ, việc này dù giúp diện tích căn nhà rộng hơn một chút nhưng phần không gian chung của cả khu lại trở nên rất tối và bí.

Những ngõ nhỏ này là khe thoáng chính chung của các căn nhà, tuy nhiên vì nhiều nhà cùng lấn chiếm nên đã chỉ còn đáp ứng rất hạn chế khả năng thông gió và đảm bảo chiếu sáng.

Do đó, mỗi căn nhà chỉ cần lùi vào một chút, không lấn chiếm khoản không gian của ngõ đi chung vừa đảm bảo có một khoảng không gian thoáng đãng tự nhiên vừa có thể nâng cao giá trị cho căn nhà.

VLXD.org (TH/ CafeLand)

Nguyên tắc bố trí khe thoáng cho thiết kế nhà ống
Chuyển lên trên